Theo đó, T&T đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải được mua lại theo hai phương án: mua toàn bộ tài sản sân bay, hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đặt tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Công trình được khánh thành vào tháng 12/2012 với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Sân bay này đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000m, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747-400 và tương đương.
Cảng có 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm. Nhà ga hành khách có diện tích 24.325 m2, công suất phục vụ đến 2020 dự kiến đạt 2,65 triệu khách/năm.
Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ… được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, trong cuộc họp về đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị ACV xây dựng phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc; thí điểm bán dứt điểm sảnh E nhà ga T1, sân bay Nội Bài.
Với đề nghị trên, T&T là nhà đầu tư đầu tiên muốn mua lại sân bay Phú Quốc sau khi Bộ Giao thông Vận tải muốn chuyển nhượng quyền khai thác công trình này.
Ngoài đề xuất muốn mua lại sân bay Phú Quốc, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (còn gọi là “bầu” Hiển) làm Chủ tịch còn muốn mua lại toàn bộ cổ phần tại Cảng Quảng Ninh, với giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.