Đến 2020, cần hơn 430 nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp

Từ nay đến năm 2020, cần khoảng 432.000 căn hộ, tương ứng 17,28 triệu m2 cho người thu nhập thấp ở đô thị. Đây là con số được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.



Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, từ sau kỳ họp thứ 7 đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.607/1.607 kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên, còn có một số nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại các kỳ họp trước nhưng đến nay chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân như: chính sách đặc thù đối với việc giải quyết khó khăn cho người dân tái định cư khi xây dựng công trình thuỷ điện.

Một vấn đề cũng đã được cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp là việc giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp và nhà ở cho học sinh, sinh viên.

Với nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, với tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 19.680 căn hộ.

91 dự án đang tiếp tục được triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng, bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ, báo cáo nêu.

Về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cũng tính đến năm 2020 trong số khoảng 7,2 triệu người lao động có 4,2 triệu người có nhu cầu về chỗ ở, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Hiện cả nước đã hoàn thành 64 dự án nhà ở cho công nhân với quy mô khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai 59 dự án với khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhưng đến nay mới đáp ứng khoảng 20% nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Vì vậy, phần lớn công nhân vẫn phải thuê trọ tại nhà dân ở các khu dân cư với điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường không đảm bảo…, kết quả giám sát nêu bất cập.

Chuyển sang nhà ở cho học sinh sinh viên, cơ quan giám sát cho biết, tính đến năm 2015 sẽ có khoảng 5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó có số 3,5 triệu học sinh, sinh viên có nhu cầu ở trong ký túc xá. Đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên, nâng tổng số học sinh, sinh viên có nhu cầu về chỗ ở trong ký túc xá khoảng gần 4,5 triệu.

Trong giai đoạn 2009-2015, Nhà nước đã dành nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ 12.603,53 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở cho học sinh, sinh sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được khoảng 330.000 chỗ ở.

Đến nay, các dự án đầu tư từ nguồn vốn này đã hoàn thành được 73% và bố trí cho 145.000 học sinh, sinh viên vào ở. Dự kiến đến hết năm 2014 sẽ có thêm 18 dự án kết thúc giai đoạn xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng, kết quả giám sát cho thấy.

Nhìn chung về việc thực hiện chính sách về nhà ở với cả ba đối tượng nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra khá nhiều hạn chế. Cụ thể, trong thời gian dài, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc trích lập nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, báo cáo nêu.

Đoàn giám sát cho rằng, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ một số quy định của pháp luật về điều kiện để chủ đầu tư được tham gia phát triển nhà ở thương mại còn đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần có đăng ký kinh doanh nhà ở, vốn pháp định từ 6 tỷ đồng trở lên, có vốn chủ sở hữu từ 15% đến 20% tổng vốn đầu tư là được tham gia.

Mặt khác, việc đầu tư nhà ở thương mại thu lợi nhuận cao, nhanh hơn và dễ huy động vốn của khách hàng nên các doanh nghiệp thường chỉ tập trung phát triển nhà ở thương mại chưa quan tâm xây dựng nhà ở xã hội.

Việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ để phát triển nhà ở còn hạn chế, nhiều khó khăn, vướng mắc do thủ tục xác nhận về thực trạng nhà ở còn bất cập, nên các đối tượng được hưởng chính sách không đủ hồ sơ làm cơ sở để tiếp cận được nguồn vốn vay, là một nguyên nhân khác.

Theo nghị trình, từ ngày 17/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn. Như thường lệ, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ được trình bày vào đầu phiên họp buổi chiều, trước khi Quốc hội chất vấn trực tiếp thành viên Chính phủ đầu tiên.

0913.756.339