Tam Điệp lên thành phố, Kỳ Anh thành thị xã

Tại phiên họp chiều 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.



Giải trình thêm 1,2 nghìn tỷ vốn đầu tư

Trong phương án thành lập thành phố Tam Điệp, có việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp trên cơ sở toàn bộ 459,8 ha diện tích tự nhiên và 7.486 nhân khẩu của xã Yên Bình, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Sau khi thành lập, thành phố Tam Điệp có 10.497,9 ha diện tích tự nhiên, 104.175 nhân khẩu và 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Nam Sơn, Tây Sơn, Tân Bình, Yên Bình và 3 xã Yên Sơn, Quang Sơn, Đông Sơn.

Đề án của Chính phủ đã đề cập nhu cầu vốn đầu tư cho phường Yên Bình và thành phố Tam Điệp giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 1.932 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách trung ương là 1.269,2 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (tỉnh, thành phố) là 187,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 425 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân 50 tỷ đồng.

Nguồn vốn này dùng để nâng cấp tuyến đường nội thị, hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống thoát nước, xây dựng quảng trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung…, đề án nêu rõ.

Ninh Binh là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngân sách trung ương không hỗ trợ đầu tư cho việc nâng cấp đô thị.

Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra đề án – đề nghị Chính phủ giải trình thêm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương được huy động (1.269,2 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị cho phường Yên Bình và thành phố Tam Điệp khi được thành lập để bảo đảm tính khả thi của đề án.

Băn khoăn Vũng Áng

Để nâng cấp Kỳ Anh từ huyện lên thị xã, Chính phủ đề nghị thành lập 6 phường. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Kỳ Anh có 28.025,03 ha diện tích tự nhiên, 85.508 nhân khẩu và 12 đơn vị hành chính cấp xã. Gồm 6 phường Sông Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, và 6 xã là Kỳ Hoa, Kỳ Hưng, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam.

Theo đề án của Chính phủ thì nhu cầu vốn đầu tư cho thị xã Kỳ Anh và của huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2015-2020 là 2.580 tỷ đồng.

Trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 520 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương khoảng 750 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp là 1.213 tỷ đồng, và vốn huy động từ nhân dân và các tổ chức khác là 97 tỷ đồng.

Trong tình hình nợ công cao, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Ủy ban Pháp luật cho rằng Chính phủ và địa phương phải có các giải pháp cụ thể và thích hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng thị xã Kỳ Anh.

Vấn đề khác cũng khiến cơ quan thẩm tra băn khoăn, là toàn bộ khu kinh tế Vũng Áng nằm trong địa giới hành chính thị xã Kỳ Anh. Như vậy phần lớn (9/12) số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Kỳ Anh nằm trong khu kinh tế Vũng Áng.

Trong số các xã này, có một số xã như Kỳ Lợi, Kỳ Liên… dân cư sinh sống trên địa bàn đã phải di dời hoặc tái định cư ở các xã khác cùng huyện, diện tích tự nhiên của xã cũng được bàn giao cho các nhà đầu tư. Một số xã này trên thực tế không còn hoặc còn rất ít đất đai và dân cư để quản lý.

Trong khi đó, công nhân, người lao động làm việc theo giờ hành chính hoặc theo hợp đồng lao động mà không trực tiếp sinh sống trong khu vực của một số xã này và được quản lý theo quy chế của Khu kinh tế. Vấn đề quản lý và phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương ở đây với ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cũng sẽ được đặt ra. Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ báo cáo thêm vấn đề này.

0913.756.339