35 đại biểu muốn Quốc hội quyết ngay chủ trương Long Thành

Chiều nay (14/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành.



Với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD và nếu hoàn thành cả ba giai đoạn là 17,8 tỷ USD, siêu dự án này đang là tâm điểm quan tâm của dư luận.

Kết quả thảo luận tổ của các vị đại biểu Quốc hội cũng cho thấy còn rất nhiều quan điểm khác nhau từ chủ trương cho đến các vấn đề cụ thể của dự án.

Báo cáo tổng hợp về phiên thảo luận này cho thấy, có đến35 ý kiến đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngay tại kỳ họp thứ 8 để Chính phủ tiến hành lập báo cáo khả thi dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Cho dù theo quy trình, thì tại kỳ họp này Quốc hội mới chỉ thảo luận, chứ chưa quyết định chủ trương.

Theo các ý kiến này, đây là dự án quan trọng, cần thiết, nếu Quốc hội cho chủ trương thì nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới đưa vào sử dụng, do đó vấn đề thời gian là rất cấp thiết.

Cụ thể hơn, báo cáo cũng cho biết tổ nào có bao nhiêu ý kiến đề nghị như trên. Theo đó thì có nhiều ý kiến nhất là tổ 19, với 9 đề nghị thông qua chủ trương ngay.

Đáng chú ý, tổ 19 gồm có 25 đại biểu của các đoàn Ninh Bình, Bắc Cạn, Phú Yên và Cà Mau, đều không gần vị trí được chọn để xây dựng sân bay Long Thành (là huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai).

Dĩ nhiên, số lượng đại biểu tại từng tổ chỉ là tương đối, vì phiên thảo luận về dự án này có tổ số đại biểu tham dự chưa đầy một phần hai. Có tổ thì ghép luôn vào phần thảo luận về nội dung khác trong buổi sáng để chiều nghỉ.

Về các loại ý kiến khác, thống kê tại báo cáo cho thấy 5 ý kiến cho rằng dự án chưa cấp thiết và báo cáo của Chính phủ là chưa thuyết phục, ví dụ các sân bay Mumbai, London, Singapore, Hồng Kông… dù diện tích nhỏ nhưng lượng khách vẫn rất lớn.

3 trong số 5 ý kiến này là ở tổ 2, gồm 30 đại biểu của đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM. Hai ý kiến của tổ 17 gồm 21 đại biểu của các đoàn Hà Giang, Bình Phước, Kiên Giang.

Ngoài ra còn có 5 ý kiến tại đoàn Tp.HCM đề nghị lùi thời gian đến sau năm 2020 mới thực hiện để giảm nợ công và gánh nặng của người dân, và 2 ý kiến cũng ở tổ này đề nghị nếu nâng được công suất của Tân Sơn Nhất thì sau năm 2025 mới tính đến xây dựng sân bay Long Thành.

Vẫn chính đoàn Tp.HCM có ý kiến đề nghị nên ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ biển Đông, phát triển nông, lâm nghiệp thay vì tính chuyện làm sân bay.

Ba ý kiến ở tổ 17 (gồm các đoàn Hà Giang, Bình Phước và Kiên Giang) và một ý kiến ở tổ 7 không tán thành với chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, đoàn thư ký kỳ họp cho biết.

Nhưng, nhiều hơn hẳn cả hai loại trên là 59 ý kiến tán thành chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, việc mở rộng là khó khăn và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn. Theo đó, nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, việc đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng sân bay.

Tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư cũng là nội dung khiến đại biểu băn khoăn. Khá nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn.

Có đại biểu cho rằng phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Mặt khác suất đầu tư cũng cần làm rõ khi số tiền đầu tư trên 1 hành khách của các nước trong khu vực trung bình chỉ 81 USD/hành khách, nhưng chi phí cho sân bay Long Thành lại quá cao: 187 USD/ hành khách.

Một số vị đại biểu cũng khẳng định cơ sở cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải là chưa hợp lý vì một phần diện tích vẫn được sử dụng làm sân golf. Các vị này đề nghị Chính phủ xem xét, giải trình rõ việc sử dụng đất sân bay làm sân golf, hủy bỏ dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và dùng diện tích sân golf này để mở rộng sân bay.

Đồng thời đề nghị làm rõ việc xây dựng sân golf, khách sạn trong sân bay ảnh hưởng đến an ninh như thế nào.

Đoàn thư ký kỳ họp cũng thống kê 2 ý kiến ở tổ 16 đề nghị làm rõ 1.500 ha sân bay Tân Sơn Nhất có 900 ha sử dụng cho quốc phòng, trong đó có 160 ha làm xây dựng sân golf đang được sử dụng ra sao. Và với diện tích đó tại sao không dùng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?

Có ý kiến cho rằng các con số dự án đưa ra là chưa chính xác, không sát với thực tế, đoàn thư ký phản ánh.

Bên cạnh đề nghị Chính phủ xây dựng báo cáo đầu tư chi tiết hơn vì hiện nay nhiều nội dung mới chỉ là sơ bộ nên Quốc hội khó quyết định, có vị đại biểu đề nghị nên xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về dự án thay vì bấm nút tại hội trường.

0913.756.339