Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư của dự án này được phê duyệt năm 2007 là 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở thẩm định của Viện Kinh tế xây dựng và đề xuất của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) thì tổng mức đầu tư mới sẽ xấp xỉ 45.500 tỷ đồng.
Trong tổng số gần 21.000 tỷ đồng, tương đương một tỷ USD mà Vidifi xin điều chỉnh, đáng chú ý là chi phí xây dựng và thiết bị tăng hơn 12.400 tỷ đồng; kế đến là hơn 5.200 tỷ đồng lãi vay, trong khi kinh phí giải phóng mặt bằng cũng đội giá 2.200 tỷ đồng.
Theo tính toán của Vidifi, suất đầu tư cập nhật cho mỗi km vào khoảng 20,5 triệu USD.
Đây là con số mà không ít chuyên gia cho là khá đắt nếu so với các tuyến đường tương tự ở khu vực miền Bắc vừa khai thác như Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình hay Hà Nội – Thái Nguyên.
Được biết, mới đây nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Vidifi đã ký bản hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 70% cổ phần của dự án này với nhà đầu tư Ấn Độ.
Cùng với việc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, để đảm bảo tính khả thi cho dự án nhằm thuyết phục nhà đầu tư, hiện Vidifi cũng đang xin bổ sung một số cơ chế, chính sách. Trong khi theo phương án tổng mức đầu tư hồi năm 2007 dự án được hoàn vốn bằng nguồn thu phí trên chính tuyến và quốc lộ 5; thu từ kinh doanh các khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến và các nguồn thu khác trong thời gian 30 năm.