VnEconomy ghi nhận những ý kiến đáng chú ý từ các quan chức hàng không, chuyên gia cũng như các nhà đầu tư xung quanh vấn đề này.
Con đường tất yếu
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), kết cấu hạ tầng hàng không và chất lượng dịch vụ vận tải hàng không hiện nay rất khó đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không – được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề tương tự, các nước trên thế giới đã tiến hành tư nhân hóa các hoạt động kinh doanh hàng không, mà cụ thể là cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường hàng không nói chung và lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không nói riêng.
Sau nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới đã bộc lộ nhiều lợi thế trong việc đầu tư hạ tầng cũng như cung cấp các dịch vụ.
Không chỉ quản lý, tổ chức hoạt động tại cảng hàng không một cách chuyên nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn luôn đổi mới, sáng tạo, cải tiến trong tất cả các mặt hoạt động tại cảng hàng không, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh phi hàng không và thực hiện tốt việc giao thầu, khoán kinh doanh một số dịch vụ tại cảng hàng không.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp cho Nhà nước một khoản tiền lớn khi chuyển nhượng, mua lại các cảng hàng không, qua đó tạo nguồn vốn cho Nhà nước phát triển hạ tầng cơ sở, góp phần giảm áp lực cho nguồn vốn Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
“Việc huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không nói chung mà cụ thể là hình thức nhượng quyền khai thác, bán cảng hàng không, sân bay nói riêng, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với xu thế của thế giới”, ông Hùng nói.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng nhượng quyền khai thác sẽ tạo nên một cơ chế truyền dẫn hiệu quả để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong giai đoạn hiện nay, và trở thành một kênh dẫn vốn từ các ngân hàng đến nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, trong đó có giải pháp nhượng quyền khai thác thương mại tài sản Nhà nước là một giải pháp quan trọng để bù đắp cho nguồn vốn đầu tư có nguy cơ thiếu hụt, giảm bớt áp lực ngân sách, đồng thời có thể đảm bảo cho việc phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới”, ông Phước bình luận.
Trong khi đó, theo Phó tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm, nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các nhà ga sân bay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu vận chuyển của người dân mà ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp.
“Chúng tôi tin tưởng rằng xã hội hóa sẽ đẩy ngành hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng, vừa thu lại vốn đầu tư của nhà nước vừa hình thành được hạ tầng hàng không hiện đại, vừa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh hạ tầng hàng không, đóng góp cho ngân sách”, ông Tâm nói.
Vị đại diện cho Vietjet cũng nhấn mạnh rằng trong phương án xin nhượng quyền khai thác của mình, doanh nghiệp này mong muốn và sẵn sàng hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp cảng hàng không, các hãng hàng không.
Mới đây, Vietjet cũng đã hai lần gửi đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải để mua quyền khai thác nhà ga T1 tại sân bay Nội Bài.
Minh bạch là cốt lõi
Bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình “xã hội hóa” đầu tư, song nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng quá trình này cần được tiến hành một cách minh bạch.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, vì hàng không là ngành đặc thù, nên cần xây dựng các chính sách đặc thù tương ứng.
Chẳng hạn, phải đảm bảo quá trình sơ tuyển nhà đầu tư và quá trình đấu thầu diễn ra công bằng, minh bạch. Điều này rất quan trọng bởi sân bay là một “tài sản quốc gia”, không thể để cho những nhà đầu tư thắng thầu một cách không minh bạch khai thác. Quá trình đấu thầu phải hạn chế được tối đa hành vi thông thầu và các hành vi bất bình đẳng khác.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo hạn chế sự ảnh hưởng của ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đối với hoạt động khai thác tại các sân bay. Việc để cho một tổ chức có sử dụng ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài khai thác toàn bộ cần phải được xem xét rất cẩn trọng.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế.
Bình luận việc gần đây có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân hào hứng đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng thông thường tư nhân thực hiện đầu tư sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn rất cần phải đảm bảo cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền.
“Việc bảo vệ áp lực cạnh tranh là cần thiết, bởi vì chỉ có cạnh tranh và chịu áp lực cạnh tranh thì lợi ích của người tiêu dùng mới được đảm bảo tốt nhất, và nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả nhất. Và có cạnh tranh thì mới chọn được đối tác tốt, nhà đầu tư tốt, doanh nghiệp tốt”, ông Thành nói.
Theo ông Trương Văn Phước, khi xác định giá trị chuyển nhượng quyền khai thác thương mại tài sản nhà nước, cần phải tuân theo nguyên tắc cơ bản đầu tiên là đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Vị lãnh đạo giàu trải nghiệm trong ngành ngân hàng nói việc xác định giá trị giá chuyển nhượng về cơ bản nên dựa trên nguyên tắc định giá theo “điểm cân bằng lợi ích” giữa bên sở hữu quyền (Nhà nước) và bên mua quyền (nhà đầu tư).
Theo đó, bên bán sẽ xác định giá bán cao nhất có thể để thu về lợi ích tài chính tối đa dựa trên“vùng giá chuyển nhượng tối ưu” để tạo sự hấp dẫn cho bên mua.
Cụ thể, Nhà nước sẽ cân đối lợi ích khi tự khai thác (lợi nhuận hiện tại và kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai) cùng những yếu tố khác (như nhu cầu tái đầu tư, nhu cầu vốn để đầu tư sang dự án khác…) nhằm xác định “vùng giá chuyển nhượng tối ưu”.
Trên cơ sở “vùng giá chuyển nhượng tối ưu” được xác định, Nhà nước sẽ tiến hành đàm phán với bên mua để nhượng quyền khai thác.
“Áp dụng trong trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không, có thể thấy ngoài yếu tố lợi ích tài chính và các yếu tố khác như kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ cảng hàng không, phục vụ cộng đồng…, Nhà nước cần phải tính thêm yếu tố thời hạn chuyển nhượng, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc cân đối giữa tạo cơ chế thu hút đầu tư và đảm bảo khả năng sinh lời của tài sản thuộc sở hữu Nhà nước”, ông Phước nói.