Theo đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội ngày 5/3, Thủ tướng cùng các Phó thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể và đồng ý về chủ trương phát triển khu đô thị hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài, đồng thời đề nghị Hà Nội tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và có thể lấy ý kiến thêm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, nhất là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch dòng chảy sông Hồng, của Bộ Quốc phòng về quy hoạch tĩnh không để hoàn thiện quy hoạch và phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch tốt “để 15 – 20 năm nữa, chúng ta vui mừng thấy rằng đây là một đô thị xứng tầm của một thủ đô văn minh, hiện đại”.
Về cơ chế chính sách đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị của thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị về giải phóng mặt bằng, Nhà nước phải đứng ra tổ chức thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho người dân chứ không giao cho doanh nghiệp, đồng thời tính toán nguồn vốn 11.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Việc xây dựng hạ tầng khung về nguyên tắc cũng do Nhà nước tổ chức thực hiện nhưng huy động các nguồn vốn khác nhau. Các dự án sẽ thực hiện đa dạng với các hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, giao dự án. Giá đất được xác định theo theo nguyên tắc giá thị trường nhưng linh hoạt theo từng dự án và mục đích sử dụng đất.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã đồng ý cho Hà Nội thực hiện một số cơ chế đặc thù khi thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Riêng với vấn đề cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý đề xuất của UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng công trình cao tầng ở một số khu vực đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
“Hà Nội và Tp.HCM cùng chung vướng mắc. Do vậy, để giải quyết vấn đề chung cư cũ, tôi đồng ý với đề xuất của Hà Nội. Còn nếu cứ khống chế chặt thì không ai vào đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước có giới hạn”, Thủ tướng nói.