Điểm đáng chú ý trong kế hoạch này là việc Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất. Rà soát lại quy hoạch, bổ sung kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ đất lúa nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa lúa và các cây trồng khác.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác.
Khi tiến hành thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng và dịch vụ công… sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đảm bảo lợi ích chính đáng của người quản lý sử dụng đất, có các phương án sử dụng lớp đất mặt và các vấn đề liên quan theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê mướn đất nông nghiệp, khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất.
Thực hiện ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách ưu đãi cao để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, hảo đảo.
Tiếp tục ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, đổi mới cơ chế, thủ tục để nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận tín dụng thuận lợi.
Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tín dụng đối với nông nghiệp, tăng cường cho vay hộ gia đình với số lượng lớn hơn và vay theo tín chấp nhiều hơn, triển khai cho vay đối với hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sức cạnh tranh cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Cụ thể, tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/2013 của Thủ tướng, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất; xây dựng đề án tổng thể, đề án chuyên đề, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực, ở từng địa phương; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch hành động.
Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp tham gia thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công; tăng cường bộ máy chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu; thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện.