“Bán sân bay nhưng vẫn quản lý an ninh, quốc phòng”

“Khi bán các sân bay chúng ta chỉ bán phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng, còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng, thì đều thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam quản lý”.



Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường trước câu hỏi của báo giới về chủ trương bán và nhượng quyền khai thác một số công trình hạ tầng hàng không, sân bay của Bộ vừa qua.

Có mặt tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 2/3, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay hiện nay việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu của ngành cũng như cả nền kinh tế. Vừa qua, Chính phủ có giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, hàng không…

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2014, Bộ đã xây dựng tổng thể các phương án, bán, nhượng quyền khai thác các dự án BOT cũng như các dự án có yếu tố xã hội hóa được.

“Hiện nay chúng tôi đã lập và báo cáo Thủ tướng. Chính vì vậy, việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải”, ông Trường nói.

Mặt khác, theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc khai thác sân bay có rất nhiều nội dung. Chẳng hạn như việc khai thác hệ thống nhà ga và dịch vụ trong nhà ga thì các nước trên thế giới hoàn toàn xã hội hóa. Kể cả việc đầu tư nhà ga cho đến dịch vụ bán hàng, check in-check out có thể xã hội hóa được trừ những dịch vụ an ninh.

Vì thế với các cảng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Gần đây, đối với nhà ga T1 sân bay Nội Bài và sảnh E đã được một số hãng hàng không đề nghị nhượng quyền khai thác.

“Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn đồng ý, nhưng Bộ cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất, thì Bộ sẽ nhượng quyền khai thác”, Thứ trưởng Trường cho hay.

Ngoài ra, theo ông Trường, việc xã hội hóa trong đầu tư toàn bộ các sân bay sẽ được làm trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để tham gia đầu tư và lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư.

“Việc này chúng tôi đang báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ. Đối với sân bay Long Thành cũng đi theo hướng như vậy…”, ông Trường nói tiếp.

Tương tự, đối với sân bay Phú Quốc, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng, còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh, quốc phòng thì thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

“Thông lệ quốc tế đều như vậy. Quản lý điều hành bay thuộc chủ quyền quốc gia, còn quản lý khai thác và nhượng quyền, chúng ta có thể xã hội hóa”, vị Thứ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay: “Chính phủ thống nhất quan điểm này, và chúng ta hiểu rằng khi thực hiện các bước này không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà là đưa ra những kế hoạch, tiêu chí để quản lý, thực hiện phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, nhưng cũng đảm bảo quản lý chặt chẽ”.

0913.756.339