Theo đó, trong thời gian tới VEC sẽ cho tiến hành thành lập một số công ty cổ phần nhằm chuyển nhượng toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm: Cầu Giẽ – Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai, Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành.
VEC cho biết, 5 dự án cao tốc nói trên có chiều dài khoảng 550 km, với tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng, tương đương khoảng 6 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỷ đồng, tương đương 57%, VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng.
Trong đó, một số tuyến đã được đưa vào khai thác, số còn lại sẽ hoàn thành sau 2018.
Đại diện VEC cho hay, mục đích của việc chuyển nhượng nói trên là nhằm huy động vốn cho các dự án tiếp theo. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên việc chuyển nhượng các tuyến cao tốc thuộc hệ thống đường bộ quốc gia nên chắc chắn sẽ có những phát sinh, vướng mắc khó tránh khỏi.
Do đó, tới đây VEC sẽ cùng Bộ Giao thông Vận tải rà soát cơ sở pháp lý, tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường; tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động của Tổng công ty.
Ngoài VEC, mới đây Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) cũng đã thông qua kế hoạch bán 70% cổ phần của dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho một đầu tư đến từ Ấn Độ.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng là đối tác mà VEC nhắm đến vì có thế mạnh về tài chính.
Chỉ đạo về kế hoạch của các tổng công ty nói trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hoàn toàn ủng hộ phương án bán cao tốc cho các nhà đầu tư nước ngoài, bởi theo ông, các doanh nghiệp giao thông “phải thay đổi tư duy về đầu tư hạ tầng. Cứ làm xong rồi bán. Nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều và rất quan tâm đến dự án của mình”.