Sân bay Long Thành: “Băn khoăn là đúng”

Đăng đàn cuối cùng trong số 23 đại biểu có đủ thời gian tham gia thảo luận về dự án sân bay Long Thành chiều 14/11 tại Quốc hội, là nhà sử học Dương Trung Quốc.



“Nhiều vị đại biểu nói đến nợ công, nhưng yếu tố quan trọng nhất chi phối mối quan tâm của toàn xã hội với dự án này, đó là lòng tin”, ông Quốc nói.

Với một dự án đã ở trong quy hoạch tổng thể 10 năm rồi, nhiều công trình thành phần đã xây dựng xong mà hôm nay mới mang ra bản thảo ở Quốc hội thì theo đại biểu Quốc, việc quyết định đầu tư còn nhiều băn khoăn là đúng.

Ông Quốc cũng đặt vấn đề, tại sao trong suốt thời gian qua Quốc hội không chủ động yêu cầu Chính phủ đưa ra dự án sân bay Long Thành, mà cứ chờ Chính phủ trình?

Cho rằng không thể không quan tâm đến phản biện của xã hội, đại biểu Quốc mong là Quốc hội sẽ tìm sự đồng thuận trong dân bằng cách trân trọng các ý kiến độc lập của các chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí có thể mời chuyên gia am hiểu đăng đàn trước Quốc hội để đại biểu cùng nghe.

“Lùi là lỡ cơ hội cất cánh của đất nước”

Ngoài đại biểu Quốc, phần lớn các vị đăng đàn đều nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư một sân bay hiện đại, song về tính cấp thiết của dự án Long Thành thì còn có quan điểm khác nhau.

Theo nghị trình, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa đặt ra tại kỳ họp này. Song không ít vị tỏ ra khá sốt ruột khi đề nghị Quốc hội cần quyết định ngay để Chính phủ có đủ thời gian chuẩn bị.

Khẳng định sự cần thiết và cho rằng khả năng ngân sách hoàn toàn cân đối được, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhấn mạnh cần xây sân bay Long Thành với tầm nhìn 100 năm sau để đánh dấu sự phát triển mới của ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

“Tôi đồng ý thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp này để Chính phủ tiếp tục chuẩn bị”, đại biểu Sơn nói.

Còn theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), thì hiện tại là thời điểm chín muồi để quyết định chủ trương đầu tư, nếu lùi thì để lỡ cơ hội cất cánh của đất nước.

Cho biết là chưa đọc hết các tài liệu liên quan đến dự án, song đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng tỏ rõ sự đồng tình vì tính thuyết phục của dự án. Đó là dự án đã xác định rất rõ vốn ngân sách không lớn và tác động đến nợ công cũng không đáng kể, nhưng lại có hiệu quả cao.

“Không có việc gì cần làm mà lại chờ hội đủ điều kiện mới bắt tay làm, quyết định đầu tư dự án này thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Quốc hội”, ông Học thể hiện chính kiến mạnh mẽ.

Liên quan đến băn khoăn được đặt ra về khai thác thêm sân bay Biên Hòa, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phân tích, vì nằm trong vành đai các căn cứ quân sự, nên sân bay Biên Hòa không thể mở rộng.

Hơn nữa sân bay này cũng tương tự Tân Sơn Nhất, nằm lọt trong lòng thành phố. Và đây lại là một vị trí an ninh trọng yếu, là nơi cất cánh gần nhất để chi viện cho biển đảo, đặc biệt là Trường Sa, nên yêu cầu sử dụng cho mục đích quân sự phải là ưu tiên số một.

Trong khi đó, Long Thành là vị trí có nhiều thuận tiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu để làm một sân bay quốc tế hiện đại.

Kể tên một số dự án lớn từng đặt Quốc hội trước quyết định khó khăn như đường dây 500 KV Bắc – Nam, thủy điện Sơn La, theo ông Trường, quyết định xây dựng sân bay Long Thành nếu được đưa ra 5 – 10 năm trước thì đến nay đã có thể sử dụng ngay được, và tránh được việc đầu tư 7 sân bay quốc tế nhưng đều chỉ ở quy mô quá nhỏ như hiện tại.

“Quyết làm Long Thành thời điểm này đã là muộn, mà nếu tiếp tục để lùi lại 5-10 năm nữa thì thời cơ sẽ mất hẳn, không còn nữa”, đại biểu Trường cảnh báo.

Cần thiết, nhưng chưa bức thiết”

Không lạc quan như nhiều vị khác, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tuy tán thành quan điểm với tầm nhìn chiến lược thì đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết, song còn ba vấn đề cần làm rõ, trong đó hiệu quả kinh tế – xã hội là băn khoăn lớn nhất.

Bởi theo ông, bài toán kinh tế của dự án đang được tính dựa trên dự báo lạc quan quá mức về lượng hành khách có thể thu hút được (20 triệu hành khách/năm khi xong giai đoạn 1 vào 2025 và 100 triệu hành khách sau giai đoạn 3 vào 2030).

Câu hỏi tiếp theo được đại biểu Hùng đặt ra, là suất đầu tư nhiều sân bay nổi tiếng chỉ 90 USD/khách, nhưng ở đây tới 156 và sau đó là hơn 180 USD/khách. thì có phải quá cao?

Đại biểu Hùng cho rằng, cơ cấu vốn của cả ba giai đoạn đầu tư sân bay Long Thành đều chưa được làm rõ. Trong 164.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 thì có 24.000 tỷ đồng vốn ngân sách, nhưng vốn ODA do Chính phủ cho vay lại thì vẫn buộc phải tính vào nợ công và nợ quốc gia. Số còn lại huy động vốn theo hình thức hợp tác công – tư cũng chưa rõ công là bao nhiêu và tư là bao nhiêu, khả năng trả nợ cũng chưa rõ, ông Hùng nhìn nhận.

“Quốc hội không thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng sau đó cũng không có ý kiến nào nói Quốc hội không bản lĩnh, mà đều hoan nghênh cả. Chính phủ rút đăng cai ASIAD, cũng được cử tri đánh giá cao. Vậy nên, về chủ trương có lẽ hoàn toàn tán thành, nhưng để quyết định có đầu tư hay không thì cần chuẩn bị thêm”, đại biểu Hùng bày tỏ quan điểm.

“Long Thành cần thiết, nhưng chưa bức thiết”, đại biểu Huỳnh Nghĩa quả quyết.

Số tiền 7,8 tỷ USD theo đại biểu Nghĩa là quá lớn, trong khi còn nhiều việc phải lo như tiền lương, đầu tư cho nông thôn.

Khi chưa có tiền tăng lương những người ngày đêm làm việc vất vả thì chưa nên đầu tư sân bay Long Thành. Lùi lại 15-20 năm nữa không phải là quá dài cho việc chuẩn bị để đưa “giấc mơ Long Thành” thành hiện thực, theo quan điểm của đại biểu Nghĩa.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ phân tích làm rõ thêm những vấn đề đại biểu còn băn khoăn, và báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

0913.756.339