Hoàn thành báo cáo gần như muộn nhất trong số các vị có trách nhiệm gửi báo cáo về nội dung này đến Quốc hội, song hầu hết số liệu được Bộ trưởng Quang đưa ra lại chỉ đến cuối năm 2013, trong khi nhiều vị khác đã cập nhật đến hết tháng 9/2014.
Các con số liên quan đến kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại báo cáo cũng không là ngoại lệ. Theo đó, tính đến 31/12/2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%) cấp giấy chứng nhận theo nghị quyết của Quốc hội.
Cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp giấy chứng nhận, Bộ trưởng cho biết.
Việc một số tỉnh còn một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy được Bộ trưởng giải thích là do nhiều địa phương chưa có bản đồ địa chính, khó khăn về kinh phí và nhân lực nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc khác hiện có hoặc chỉ đạo đo đạc bằng phương pháp đơn giản để cấp giấy, do đó, độ chính xác không cao và sẽ phải thực hiện đo đạc lại và cấp đổi lại giấy chứng nhận.
Ngoài ra, nhiều địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, dẫn đến thay đổi, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận.
Báo cáo cũng cho biết hiện còn có đến khoảng 300.000 giấy chứng nhận, chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Thái Bình, Gia Lai đã ký nhưng chưa có người đến nhận.
Đây là con số đã giảm một nửa so với số 600.000 giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận tại báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội vào tháng 11/2013.
Tình trạng sử dụng đất đai lãng phí cũng là một trong những nội dung Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.
Theo báo cáo, Bộ đã phối hợp với các địa phương tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trên diện rộng các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, gây lãng phí. Kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến ngày 31/12/2013 có 8.909 tổ chức vi phạm với diện tích 137.651 ha.
Các tỉnh, thành đã xử lý 5.182/8.909 tổ chức (đạt 62,60%) với diện tích đất 114.177/137.651 ha ( 82,90%). Trong đó đã thu hồi đất của 939 tổ chức với diện tích 44.860 ha; lập hồ sơ thu hồi đất của 564 tổ chức với diện tích 28.052 ha, đang tiếp tục xử lý 1.798 tổ chức với diện tích 24.762 ha, xử lý khác đối với 1.881 tổ chức với diện tích 16.503 ha, thu nộp ngân sách nhà nước 139 tỷ đồng.
Lý giải việc xử lý thu hồi đất sai phạm chỉ đạt 82,90%, Bộ trưởng đề cập nguyên nhân một số địa phương còn thiếu kiên quyết trong việc thu hồi đất vì lo ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của địa phương và do khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, xử lý giá trị đã đầu tư trên đất.
Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, xử lý và công bố công khai các dự án có vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ trưởng viết.