Vietnam Airlines, bức tranh trước thềm IPO

49 triệu cổ phần của Vietnam Airlines sẽ được chào bán ngày 14/11 tới. Trước thềm IPO, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đang nắm giữ những lợi thế gì?

Lãi trong thị trường khó

6 tháng đầu năm 2014, Vietnam Airlines lãi 82,3 tỷ đồng – một thông tin đáng chú ý, vì trước đó, hãng từng dự báo lỗ. Nhìn sang khu vực, các hãng hàng không lân cận đều thua lỗ nặng như Malaysia Airlines, Thai Airways, China Airlines…

Trong bản công bố thông tin phục vụ cho IPO dài tới 192 trang, cũng có thể hình dung khá tổng thể bức tranh tài chính và triển vọng của Vietnam Airlines. Cụ thể, trong 5 năm qua (2008-2013), hãng luôn duy trì mức lãi trên 130 tỷ đồng/năm, cá biệt năm 2010 đạt cao nhất là 314 tỷ đồng và năm 2011 đạt thấp nhất là 37 tỷ đồng.

Số lượng hành khách vận chuyển cũng tăng ổn định. Năm 2008 đạt 8,9 triệu lượt khách (chiếm 55% thị phần), đến năm 2013 đạt 14,9 triệu lượt khách (chiếm 52% thị phần). Sự ổn định về lượng hành khách trong bối cảnh cạnh tranh cho thấy vị thế nhất định hiện nay của Vietnam Airlines so với mặt bằng chung.

Từ năm 2012, Vietnam Airlines đã “mua lại” Jetstar Pacific nhằm mở rộng thị trường bay, cạnh tranh trong phân khúc “bay rẻ”. Tuy nhiên, ngay cả khi về Vietnam Airlines thì Jetstar Pacific cũng đang hết lỗ. Đây sẽ là một bài toán khó của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, theo Vietnam Airlines, dù Jetstar Paciffic đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Vietjet Air thì hãng cũng không mấy lo lắng, bởi Vietnam Airlines còn có hàng loạt công ty con trong các dây chuyền như suất ăn, hàng hóa, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, kinh doanh xăng dầu (Vinapco)… đều đạt tăng trưởng, kinh doanh có lãi và hiệu suất cao.

Một vấn đề khá quan trọng trong bản công bố thông tin của Vietnam Airlines là kiểm soát rủi ro tỷ giá. Sau IPO, đây tiếp tục sẽ là vấn đề khiến Vietnam Airlines đau đầu. Nếu không kiểm soát tốt, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của hãng.

Từ những đánh giá cụ thể trên nhiều mặt, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý thống nhất mức giá khởi điểm của Vietnam Airlines là 22.300 đồng/cổ phiểu cho phiên đấu giá đầu tiên ngày 14/11.



Cam kết của Vietnam Airlines

Trong một lần trả lời báo giới, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, sau cổ phần hóa, vốn Nhà nước vẫn chiếm 75% Vietnam Airlines và giảm dần xuống còn 65%.

Điều khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn, với việc Nhà nước vẫn nắm giữ quá nhiều cổ phiếu Vietnam Airlines thì liệu chiếc áo “bao cấp” có được cởi bỏ? Nhà đầu tư cũng lo ngại “tiếng nói” của mình có giá trị không, nếu đầu tư vào hãng?

Về điều này, Vietnam Airlines khẳng định, lộ trình và chiến lược của hãng đã được hoạch định, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm về quản lý kinh doanh hàng không, nên nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng.

Về những cam kết trẻ hóa đội tàu bay, hãng sẽ đẩy mạnh ngay sau IPO. Cụ thể bên cạnh 82 máy bay hiện nay, năm 2015, Vietnam Airlines sẽ đặt mua thêm nhiều máy bay mới, hiện đại ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới.

Cụ thể, khoảng tháng 6/2015, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 33 máy bay, bao gồm 14 Airbus A350-900 và 19 Boeing 787-9. Hãng cũng cam kết nâng cấp về chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 4 sao.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay tới nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.

Riêng tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines xác định tiếp tục chiếm lĩnh thị phần khách doanh thu cao và trung bình, duy trì thị phần cố định với doanh thu thấp. Còn Jetstar Pacific sẽ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường bay giá rẻ, với mục tiêu chiếm 70-72% thị phần.

0913.756.339